Page 3 - TỔ QUỐC GỌI
P. 3
đường”, phần còn lại thì vứt xuống biển cho nhẹ ghe để đánh
bắt được nhiều hơn, bán được khá hơn; chỉ khi nào thất bát lắm
mới chọn những con to nhất xẻ làm “khô cá gộc” mong gỡ gạc
được chút ít sở hụi. Và còn vô số cơ hội mà ở đây người ta có thể
dễ dàng kiếm sống như: tìm mật ong, bắt cá đồng, bẫy thú rừng,
săn cá sấu, vào rừng hầm than đốn củi v.v. và v.v. Cho nên mãi
đến khi tôi lớn khôn thì Cà Mau, mà chủ yếu là Năm Căn và đất
Mũi, vẫn là chốn đi về làm ăn của Cha Mẹ tôi.
Tuy nhiên cuộc sống dựa vào miền đất hứa thuở ấy cũng
không hề khấm khá vì phải nuôi cả một bầy con và lúc nào
cũng phải chắt mót lo đủ tiền để trả nợ. Để rồi mấy mươi năm
sau, trong một dịp trở lại vùng đất đong đầy kỷ niệm này, tôi đã
chạnh lòng đặt mấy câu thơ:
Năm Căn đến Mũi sông sao rộng
Một chiếc thuyền con Cha chống chèo
Sóng cả gió to rồi cũng lặng
Mà cuộc đời Cha sao cứ mãi gieo neo...
Tại quê hương, từ ngày có vợ có chồng, Cha Mẹ tôi không
thể cất nổi một căn nhà riêng mà cứ phải đi ở nhờ: thời gian làm
ruộng trong Đồng Tháp Mười thì ở nhờ nhà bác Ba Vẹn tại Mỹ
Quý, hết làm ruộng trở về Cao Lãnh làm ăn thì đến ở nhờ nhà
Ông Bà ngoại tại xã Hòa An, được mấy năm thì về tá túc trong
nhà Ông Bà nội cho đến khi tản cư vào Mỹ Quý cuối năm 1946.
Chuyện ở nhờ nhà bác Ba Vẹn và nhà Ông Bà ngoại là do tôi nghe
người lớn kể lại chớ tôi không hề biết vì khi ấy tôi còn rất nhỏ,
nhưng những gì đã xảy ra trong thời gian ở nhờ nhà Ông Bà nội
thì tôi nhớ rất rõ, bởi đó đều là những kỷ niệm của một thời thơ
ấu đầy hạnh phúc trong một gia đình thuận thảo, được sống hòa
23