Page 74 - phan 2
P. 74
Trong thời gian này chúng tôi luôn có mặt ở trường để theo
dõi tình hình, và rất mừng là phong trào đã duy trì khá tốt. Song
song theo đó chúng tôi còn tổ chức các hoạt động văn hóa văn
nghệ, trao đổi tin tức, mở các nhịp cầu giao lưu kết bạn... tại
trường học, tạo ra một bầu không khí vui tươi sôi nổi, rất có
sức thu hút đối với tuổi trẻ, trám vào thời gian nghỉ học. Người
ta bảo rằng các cuộc đấu tranh thường mang đến sự đồng cảm
gắn bó nhau và quả là đúng như vậy. Sự đồng lòng tham gia các
cuộc đấu tranh bãi khóa đã khiến mối quan hệ giữa học sinh các
lớp trở nên gần gụi hơn, chan hòa hơn, khác hơn rất nhiều so
với trước đây. Bên cạnh đó các cuộc hội họp giao lưu còn có sức
hút bởi sự hiện diện của các bạn nữ, nhất là những “hoa khôi”
trong trường. Đó là cô Thủy, học sinh năm thứ tư, con gái một
điền chủ ở Bạc Liêu, đẹp nhất trường, sau này tôi có dịp gặp lại
khi cô cùng người chồng là một bác sĩ đã cùng du học ở Pháp trở
về Hà Nội trong thời kỳ còn chiến tranh. Một cô nữa tên Thắm,
người tròn tròn nhưng mặt mũi rất xinh, học năm thứ ba, sống
trong gia đình của thầy Kiết, từng là người đẹp khi xưa của nhạc
sĩ Hồ Bông bạn tôi (có thời gian Hồ Bông đã lấy bút danh là Hồ
Thắm), sau này nghe nói cô có vào kháng chiến nhưng không
may bị nghi ngờ dính đến một vụ án nào đó vì thế mà chịu khổ
một thời. Tôi cũng đã kết thân với cô Lê Thanh Liễu, học dưới
tôi một lớp cùng hệ Lycée, là con của ông Lê Văn Nghi, chủ hãng
xe Đại Đồng, mà lại là cháu ruột của Thủ tướng Lê Văn Hoạch,
và trong trường hợp này thì tôi lại quên đi cái thân phận của
mình. Nhưng phải chăng đây lại là sự trong sáng vô tư trong tình
cảm học trò, nên tình bạn này đã khắc sâu trong tâm trí tôi qua
những năm tháng dài kháng chiến, để rồi sau ngày giải phóng
tôi đã cố tìm và sau cả ngày lặn lội dò hỏi tin tức nơi quê cũ Cần
Thơ mới có manh mối để tìm gặp lại được tại Sài Gòn trong sự
ngỡ ngàng mừng rỡ của cô bạn ngày xưa.
142 Nguyễn Long trảo