Page 66 - tap 2 phan 1
P. 66
nhưng chữ viết thì không phải ai cũng rành. Sau này, khi đã ở tuổi
bảy mươi, chữ nghĩa Trung Quốc tôi vẫn chưa quên, và tôi đã từng
nhận dịch một tập truyện bằng tiếng Hoa để ông sui gia của tôi in
thành sách xuất bản. Còn khi làm việc với các đối tác người Trung
Quốc ở Khu chế xuất, vốn liếng tiếng Hoa của tôi cũng đủ để đối
ứng với họ mà không bị sơ hở trong quan hệ giao dịch.
Học được một thời gian, nhà trường đã tổ chức cho chúng tôi
đến tham quan một số trường có học viên Việt Nam đang theo học.
Nơi đầu tiên chúng tôi đến là trường huấn luyện tăng, thiết
giáp: Trường Tân Điếm. Chúng tôi đến xem một cuộc diễn tập bộ
đội xe tăng chiến đấu. Đúng là sức đột phá của một đại đội xe tăng
mà lần đầu tiên tôi được chứng kiến quả thật ghê gớm. Tôi chợt
nhớ đến các trận đánh trước đây của Tiểu đoàn 302 chúng tôi
ở chiến trường miền Đông Nam Bộ, trong những trận tấn công
đồn bót thuở ấy thì chỉ cần một đại đội xe tăng như thế này cũng
đủ diệt gọn các cứ điểm do một, hai đại đội địch chiếm giữ, đâu
cần chi phải tốn công đi trinh sát, chui vào, chui ra, rờ rẫm đo
đạc từng lô cốt, từng lỗ châu mai cho thêm mệt. Và cũng đúng
như suy nghĩ trước đây, nếu phải trở về miền Nam chiến đấu, thì
chúng tôi sẽ trở về với những lực lượng như thế này, đủ sức ăn
thua chớ không còn bị lép vế như ngày trước.
Tan buổi tập, nắp xe tăng được bật ra, các học viên nhảy xuống,
chạy đến mừng rỡ bắt chặt tay, và không ngờ trong đó lại có mấy
anh thuộc dân Nam Bộ từng học chung Trường Văn hóa Kiến An
với tôi. Nhưng hỡi ôi, nhìn lại thì anh nào anh nấy nước da cháy
nắng đen nhẻm, mồ hôi mồ kê tuôn ra như suối. Các anh còn cho
biết cứ mỗi lần diễn tập như thế thì mất đi mấy ký lô. Bấy giờ tôi
mới giật mình và thầm nghĩ, chiến sĩ xe tăng quả như tôi đã từng
hình dung và mơ ước khi xưa, chân đi giày ủng, đầu đội mũ da bịt
tai, lủng lẳng trên ngực chiếc tai nghe bộ đàm, đúng là oai thật.
320 Nguyễn Long Trảo