Page 69 - tap 2 phan 1
P. 69
sống trong cái tập thể nho nhỏ của anh em Việt Nam ở đây, và
thỉnh thoảng cũng nhận được vài bức thư của những người thân
quen đọc cũng đỡ buồn, thế nhưng ngoại trừ những giờ lên lớp
thì ngày cũng như đêm, lúc nào tôi cũng canh cánh trông chờ đến
ngày được về nước nghỉ phép. Điều tôi khoái nhất khi về nước là
được thoát khỏi cái cuộc sống nhà binh, quanh năm suốt tháng chỉ
bó chân trong doanh trại, mọi sinh hoạt đều răm rắp theo giờ giấc,
đêm đến chín giờ là phải lên giường nằm ngủ. Tôi thích được khoác
lên mình bộ thường phục, tối tối một mình đi lang thang trên các
con đường vắng, thi thoảng ngửi thấy mùi hương dìu dịu từ trong
vườn hoa của một ngôi nhà bên đường, hoặc nghe một điệu nhạc
uyển chuyển réo rắt của chiếc đàn violon từ đâu đó vọng lại, có
khi bất chợt được ngắm nhìn cảnh hạnh phúc của một đôi trai gái
khoác vai nhau đi chầm chậm, vừa đi vừa tâm tình... rồi đến khuya
ghé vào ăn một tô phở nóng trước khi trở về nhà nằm ngủ.
Năm cuối cùng trước khi rời Trung Quốc trở về Việt Nam thì
tuổi đời của tôi cũng đã gần ba mươi, cái tuổi mà một gia đình đầm
ấm đã trở nên cần thiết cho nên đã nghĩ đến việc tìm người kết bạn,
mà người ra tay giúp tôi trong chuyện này chính là anh Bảy Noãn.
Bận đó anh chở tôi trên chiếc Mô-bi-lết cà tàng đến khu Văn
công ở Cầu Giấy để tìm một người mà qua lục soát trong trí nhớ
anh thấy có quen biết sơ sơ và cũng có thể chấm được là cô Ngô Thị
Hồng, vốn là người từng sống ở miền Tây với anh. Thế nhưng khi
đến nơi thì không gặp được vì cô đang đi vắng, mà lại giáp mặt ông
thầy dạy nghề cải lương của cô là ông Tám Danh. Chúng tôi đâu
có biết ông già này đang canh các cô học trò còn hơn canh con gái
chưa chồng trong nhà, nên anh Bảy Noãn mới mào đầu mấy câu
là đã bị “đỡ ngực” ngay, mà tánh của ông già Tám thì đâu có cong
queo khách sáo gì, nói dứt khoát là “đừng có rớ vô, để cho tụi nó
còn học hành”. Ông đã nói thế thì ai còn dám rớ, rút lui là tốt nhất
Nối lại đôi bờ 323