Page 61 - phan 2
P. 61
một kỳ nhằm phục vụ các ngành liên quan trong chiến khu. Nội
dung nghiên cứu khá đa dạng, và đến nay tôi còn nhớ một bài
có tựa đề: “Việc tăng, giảm giá của đồng ngoại tệ có tác động
thế nào đối với nền kinh tế trong nước.” Tôi không hiểu những
loại đề tài như thế liệu có thật hữu ích đối với hoàn cảnh chiến
khu trong thời kỳ đó không, nhưng nếu nhìn từ một khía cạnh
khác thì thấy ông Kha Vạng Cân, Giám đốc Sở Kinh tế Nam bộ
những năm 1947-1948, tức cách nay gần sáu mươi năm, người
đã có chủ trương thành lập một cơ quan chuyên nghiên cứu
kinh tế hẳn hoi, quả là một trí thức đầy tri thức. Chả thế mà
ngày nay vẫn đang hiện hữu đàng hoàng một Viện Nghiên cứu
Kinh tế cho cả nước đó sao?
Tôi được phân công làm công tác phát hành, nhiệm vụ chỉ
là đếm báo, dán địa chỉ, chờ giao liên đến thì giao và lưu trữ các
số báo lưu. Với nhiệm vụ khá giản đơn như thế mà mỗi tháng
chỉ ra một kỳ báo thành thử đa số thời gian đều không có việc,
nên tôi để thời giờ học đánh máy chữ.
Trong cơ quan hầu hết là học sinh của Trường Pétrus Ký,
trình độ từ năm thứ ba thứ tư trở lên, riêng anh Trương Công
Cán, người phụ trách cơ quan là sinh viên Đại học Y khoa ngoài
Hà Nội “xếp bút nghiên” vào Nam năm 1945. Anh cũng là con
của một đốc phủ sứ ở Vĩnh Long, nói tiếng Tây rôm rốp, mà tác
phong cũng khá là “Tây.” Sách vở nghiên cứu, ngoài chữ Việt
thì có chữ Tây, cũng có một vài quyển sách tiếng Đức, và có vài
người đang học tiếng Đức. Còn khi trò chuyện hằng ngày với
nhau thì việc họ “chêm” tiếng Tây là bình thường. Ngày ngày họ
đọc sách, nghiên cứu, tranh luận rồi viết bài viết vở, còn tôi thì
lúc đầu cũng như vịt nghe sấm, có biết ất giáp gì đâu mà chen
vào, may mà lâu dần cũng hiểu lõm bõm được chút ít.
129