Page 25 - TỔ QUỐC GỌI
P. 25
trèo lên chẳng may bị té gãy tay gãy chân tội nghiệp. Thế nhưng
tôi vẫn không ngán, cứ lựa lúc vắng lính là trèo. Chẳng may có
một lần khi đang ngồi vắt vẻo trên cây vừa hái trái vừa ăn, chợt
nhìn xuống thì thấy một ông lính đang lù lù đi tới, lúc này thì
tôi chỉ có cách liều mạng buông hai tay từ trên cây phóng đại
xuống. Khi xuống tới đất thì hai đầu gối lại chạm mặt đường
đau điếng, nhưng cũng phải cố sức đứng dậy bươn chạy thật
nhanh, và khi tỉnh hồn xem lại thì thấy cả hai đầu gối đều sưng
chù vù rớm máu.
Tôi nhớ trước chợ Cao Lãnh là bến tàu thủy đi tới Niếc
Lương mà người dân ở đây quen gọi là “Hố Lương” của
Campuchia. Không biết trong chuyến đi thì người ta chở những
gì, nhưng khi về thì có những món chủ lực như đường thốt
nốt, khô cá tra, cá bống tượng... Tôi thích đứng xem người ta
chuyển các “sắc” đường thốt nốt từ dưới tàu lên, người ở dưới
quăng lên, người ở trên đón chụp từng đôi một, không một lần
để rớt xuống sông. Tôi đã học được cách chở cá bống tượng từ
Campuchia về, không phải đựng trong lu trong hũ, mà toàn là
cho nó nằm sắp lớp trong các sề bên trên có rải lá chuối khô xé
nhỏ, thỉnh thoảng rưới lên một ít nước là đủ, còn nếu rộng ngập
trong nước thì dọc đường nó sẽ bị “xóc nước” chết hết.
Mỗi khi tàu sắp rời chợ Cao Lãnh người ta thường nghe
tiếng còi tàu “tun tun” để chú Bảy “quay cầu” kịp chạy ra quay
cao đoạn giữa của cây cầu đúc cho tàu chạy qua. Nếu vì lý do
nào đó mà cầu quay chậm thì tàu lại “súp lê” liên hồi, như thúc
như giục. Mà cũng thật không ngờ là chú “quay cầu” sau này
đã trở thành ông sui của cha mẹ tôi, là ông già vợ của anh Ba
Thanh Nha khi anh đã gặp chị và hai người cùng làm lễ thành
hôn trong chiến khu Đồng Tháp Mười.
45