Page 30 - tap 2 phan 1
P. 30

vợ: “Hãy chờ anh, nghe em!”. Nghẹn ngào trong nước mắt, vợ
           tôi chẳng nói nên lời, chỉ biết gật đầu và ôm tôi thật chặt. Lúc đó
           cả hai chúng tôi - người ra đi, kẻ ở lại đều không bao giờ có thể

           nghĩ rằng sự xa cách lại lâu và lâu đến đáng sợ như vậy, những
           trên hai mươi năm, gấp mười lần dự tính. Mà đâu chỉ có thế, khi
           tôi đang được sống trong hòa bình, độc lập ở miền Bắc thì vợ tôi
           lại cùng chung số phận với những người ở lại, phải sống trong sự

           thù hận của bọn người gian ác. Sau này được biết, khi đang bụng
           mang dạ chửa, vợ tôi phải sống chui sống nhủi, trốn lính, trốn
           làng, hầu như suốt ngày phải ở ngoài đồng, sẫm tối mới dám về
           nhà. Chỉ với năm công ruộng, cô ấy phải vừa nuôi con, vừa nuôi

           ông bà già, lại còn phải gởi gạo về cho cha mẹ bên chồng. Con
           sanh ra không dám đi làm khai sanh vì vắng cha, mà không có
           khai sanh thì đâu được vào lớp, đành phải chịu dốt nát cho tới
           ngày đất nước được giải phóng.

               Vì cái gật đầu hứa hẹn, vì cái hơi ấm và những giọt nước mắt
           nóng hổi của vợ trong đêm mùa thu trên quê hương Cao Lãnh,
           trong suốt mấy chục năm ròng sống trên đất Bắc mà cứ ngày Bắc,
           đêm Nam, nhớ người vợ trẻ vô cùng yêu thương, nhớ đứa con
           sắp chào đời, nhớ... và nhớ. Nhưng cũng chính vì những nỗi nhớ

           đó mà tôi đã có thể vượt qua tất cả mọi đòi hỏi thường tình của
           người đàn ông đang vào độ sung mãn. Nói thật, có những đêm vì
           nhớ vợ, thương con và khát khao hạnh phúc mà tôi đã khóc ròng,
           tưởng chừng đã tới ngưỡng tận cùng của nỗi nhớ, không còn có
           thể chịu đựng được nữa.

               Đại thắng mùa Xuân năm 1975, tôi đã trở về trong đoàn quân
           chiến thắng. Mấy mươi năm ở hai phương trời xa cách nhưng
           chúng tôi vẫn chung thủy đợi chờ. Cảm ơn người vợ hiền của tôi,

           cô ấy là món quà vô giá mà số phận đã ban tặng cho tôi.
                                      (Theo lời kể của đồng chí Nguyễn Thanh Hồng)



           284   Nguyễn Long Trảo
   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35