Page 59 - tap 2 phan 1
P. 59
bởi chí ít tôi cũng được đi ra nước ngoài, và đây lại là một điều
kiện thuận lợi hiếm hoi mà không phải ai là người học tiếng nước
ngoài cũng có được: đó là thường xuyên tiếp xúc với người bản
xứ, có thể được xem “những quyển tự điển sống” để trau dồi trình
độ của mình. Mà một người thật giỏi tiếng Hoa đâu phải là bỏ đi,
nếu không phải nói là khó tìm? Còn về lĩnh vực chuyên môn quân
sự, với trình độ văn hóa và ngoại ngữ thuộc hạng ưu, khi cùng dự
lớp, tôi vẫn có thể tiếp thu đầy đủ mà có khi còn tốt hơn mọi kiến
thức mà nhà trường sẽ giảng dạy cho anh em học viên Việt Nam.
Và biết đâu cuộc đời của tôi sẽ rẽ sang một trang mới?
6. Lần đầu tiên xuất ngoại
Cuối kỳ học tôi và một số anh em khác gần chục người được
rút về Tổng cục Chính trị, chuẩn bị đi Trung Quốc, như thế cũng
là mừng được một bước.
Lần đầu tiên trong đời tôi được may đo một bộ đồ vía mới
kiểu Tôn Trung Sơn bằng dạ, đóng một đôi giày cổ cao bằng da
màu nâu, chọn một cái mũ lông thú giả, cấp hộ chiếu công vụ và
một số tiền nhân dân tệ dằn túi. Như vậy là tôi cảm thấy cuộc đời
đã bắt đầu “lên hương”, không còn là anh lính với bộ quần áo “ba
mươi sáu đường gian khổ” như trước đây. Sở dĩ có tên gọi là quần
áo “ba mươi sáu đường gian khổ”, bởi khác với các cán bộ trung,
cao cấp được mặc áo bốn túi, cánh lính chúng tôi phải mặc áo hai
túi, trên bờ vai còn táp thêm một mảnh vải dày cộm với những
đường chỉ may chằng chịt, vác súng không bị sờn.
Đây cũng là lần đầu tiên tôi được đi ra nước ngoài, một chuyện
mà thời đó khiến tôi nghiễm nhiên được coi là có giá, bởi vào
những năm 1956 - 1957, mới giải phóng được vài ba năm thì đâu
có bao nhiêu người được như tôi!
Nối lại đôi bờ 313